Tạm biệt Festival Đờn ca tài tử lần II tại Bình Dương – Hẹn gặp lại ở Cần Thơ

Sau 5 ngày với nhiều hoạt động sôi nổi và ý nghĩa, Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương năm 2017 đã chính thức khép lại với đêm bế mạc thành công và nhiều màu sắc, diễn ra lúc 20 giờ ngày 12/04 tại Trung tâm hội nghị triển lãm tỉnh Bình Dương.

a1

Chương trình bế mạc được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình từ 20 giờ trên kênh VTV9, nhưng trước đó các hoạt động tương tác đã diễn ra trong một không gian đậm chất Đờn ca tài tử. Đặc biệt, hình ảnh về những nghệ nhân, nghệ sĩ có công lớn trong việc gây dựng và truyền bá loại hình Đờn ca tài tử như Nguyễn Quang Đại (tức Ba Đợi), Trần Quang Quờn (Ký Quờn), Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền, Lê Tài Khí (tức Nhạc Khị)… được giới thiệu một cách trân trọng trên màn hình lớn, thể hiện sự tri ân những bậc tiền bối tài danh.

a2

Trong những ngày qua, khắp tỉnh Bình Dương đâu đâu cũng nhộn nhịp, rộn rã hơn khi đón chào các đơn vị về tham dự Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II, năm 2017. Các hoạt động sôi nổi nằm trong khuôn khổ chương trình giúp những lời ca, tiếng đờn được ngân xa, tiếp thêm sức sống mới và góp phần điểm tô cho “vùng đất gốm” này càng thêm tươi đẹp và thu hút du khách thập phương.

Các hoạt động của Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ II – Bình Dương năm 2017 đã quy tụ đông đảo các nghệ nhân, tài tử đờn, tài tử ca đến từ 21 tỉnh, thành phố khu vực Nam bộ và một số tỉnh, thành phố đại diện của các khu vực trong cả nước. Festival năm nay có các hoạt động nổi bật: Chương trình Khai mạc; Không gian Đờn ca tài tử; Không gian ẩm thực và đặc sản Nam bộ; Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử; Cuộc thi sáng tác ảnh nghệ thuật “Khoảnh khắc Fetival”; Đêm hội giao lưu các soạn giả, nghệ nhân ưu tú Đờn ca tài tử của 21 tỉnh thành; Cuộc thi sáng tác lời mời 20 bản tổ, chập cải lương; Liên hoan tiếng hát Đờn ca tài tử mở rộng khu vực Đông Nam bộ…

Đêm bế mạc một lần nữa khẳng định thành công của Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương năm 2017. Lễ bế mạc có sự góp mặt của các đồng chí: Ông Trần Văn Nam – Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương – Trưởng ban tổ chức; Ông Phạm Văn Cành – Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Dương – Phó Trưởng ban tổ chức; Ông Trần Thanh Liêm – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – Phó trưởng ban tổ chức; cùng đại diện của các một số tỉnh thành Nam Bộ, các đoàn nghệ thuật, các nghệ nhân, nghệ sĩ và đông đảo nhân dân.

a3

Phát biểu tại lễ bế mạc, ông Đặng Minh Hưng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương nhấn mạnh: “Sau năm ngày tổ chức Festival, BTC đã đón hàng chục ngàn lượt người tham gia. Các hoạt động du lịch, quảng bá hình ảnh tỉnh Bình Dương được triển khai thực hiện tốt. Đặc biệt người mộ điệu được đắm mình vào không gian Đờn ca tài tử, một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của Nam bộ đã được Tổ chức Khoa học Giáo dục và Văn hóa UNESSCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Festival Đờn ca tài tử lần thứ II năm 2017 được tổ chức tại Bình Dương là sự kiện văn hóa tiêu biểu trong năm 2017 của tỉnh khu vực phía Nam nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng. Đây là dịp hội ngộ của các nghệ nhân Đờn ca tài tử các tỉnh, thành phố để gặp gỡ, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và biểu diễn thể hiện tài năng nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc của ông cha để lại. Những ngày diễn ra Festival tại Bình Dương thật sự là những ngày hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, là dịp để các tỉnh thành bạn hiểu biết thêm về đất và người Bình Dương hiền hòa, nghĩa tình, thân thiện. Và qua lễ hội này cũng nhắc nhở chúng ta cần phải giữ gìn, bảo tồn và phát triển nghệ thuật Đờn ca tài tử, di sản văn hóa phi vật thể”.

a4

Chương trình nghệ thuật trong đêm bế mạc gồm những phần biểu diễn ấn tượng và đặc sắc của các nghệ sĩ, nghệ nhân ưu tú, thể hiện được nét độc đáo của Đờn ca tài tử cũng như vẻ đẹp của mảnh đất, con người phương Nam. Phần đầu của chương trình với chủ đề “Phương Nam ngày mới” mang đến một không khí tươi vui, đậm hơi thở của cuộc sống hiện đại, cho thấy sức sống của nghệ thuật Đờn ca tài tử đi vào cuộc sống.

a5

Một trong những điểm nhấn của chương trình nghệ thuật trong đêm bế mạc là các tiết mục biểu diễn tuyển chọn từ “Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử Quốc gia lần II – Bình Dương 2017. Trong đó, tiết mục đại diện bản Bắc mang tên “Bình Dương ngời sáng niềm tin” đến từ Đoàn Nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh Bình Dương. Tiết mục đại diện bản Nam do Đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử tỉnh An Giang thể hiện, mang tên “non sông Thanh Bình”.

a6

Phần 3 của chương trình với chủ đề “Bình Dương – Lời chào tạm biệt” là hình ảnh về một Bình Dương năng động, hiện đại, văn minh nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc.

a7

Sau tiết mục “Cần Thơ – Thành phố trẻ” được các nghệ nhân của xứ sở Tây Đô thể hiện, Ông Trần Thanh Liêm – Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương – Phó BTC Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần II đã lên trao cờ đăng cai Festival Đờn ca tài tử Quốc gia – năm 2020 cho ông Lê Văn Tâm – Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Cần Thơ. Như vậy, Cần Thơ chính là địa phương tiếp theo được Bộ VHTT & DL tin tưởng giao trọng trách đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử.

Ngoài ra, đêm bế mạc cũng dành một phần thời lượng để tặng Huy chương và giải thưởng cho các cá nhân, đơn vị, địa phương đạt thành tích cao trong “Liên hoan Đờn ca tài tử” và “Không gian đờn ca tài tử” toàn quốc.

a8

Về Hội thi Đờn ca tài tử các Huy chương Vàng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các Nghệ nhân Đờn, Nghệ nhân Ca đến từ: Đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử TP. HCM; Đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử Cần Thơ, Đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử Long An; Đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử Bình Dương; Đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử Cà Mau; Đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử Bà Rịa – Vũng Tàu; Đoàn nghệ thuật Đờn ca tài tử Hậu Giang.

Bên cạnh đó, BTC còn trao các giải A cho các đơn vị đạt giải Không gian Đờn ca tài tử: Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Tháp, TP. HCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Sóc Trăng và 1 giải thiết kế cho Không gian tài tử cho Họa sĩ – Đạo diễn Hoàng Dũng.

Giải thưởng các tác giả, tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi Sáng tác lời mới 20 bài bản tổ gồm: Giải nhất thuộc về tác phẩm “Nghệ nhân Nguyễn Quang Đại” của tác giả Nguyễn Huỳnh Triều (Long An), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; thể điệu Bắc có 1 giải nhất với tác phẩm “Bài ca giỗ Tổ” của tác giả Nguyễn Thế Châu (Tiền Giang), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; thể điệu Lễ có 1 giải nhất với tác phẩm “Xuân trên quê mẹ” của tác giả Phạm Thị Phương Loan (Vĩnh Long), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích và thể điệu Oán có 1 giải nhất với tác phẩm “Bình Dương miền Đông anh dũng” của tác giả Phạm Văn Phúc (TP.Hồ Chí Minh), 1 giải nhì, 1 giải ba và 2 giải khuyến khích. Ở nội dung sáng tác bài ca vọng cổ nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32 và chặp cải lương, BTC đã chọn để trao giải ở 3 thể loại. Trong đó, thể loại vọng cổ nhịp 8 – 16 có 1 giải nhất với tác phẩm “Đêm nguyệt cầm” của tác giả Phạm Ngọc Phú (Bình Dương), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; thể loại vọng cổ nhịp 32 có 1 giải nhất với tác phẩm “Nỗi nhớ Bình Dương” của tác giả Vưu Long Vĩ (Bạc Liêu), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích; thể loại chặp cải lương có 1 giải nhất với tác phẩm “Về quê” của tác giả Xuân Anh (Bạc Liêu), 2 giải nhì, 3 giải ba và 5 giải khuyến khích. Giải nhất sáng tác ảnh “Khoảnh khắc” đã thuộc về tác giả Võ Văn Bành (Long An) với tác phẩm Tiếng tơ lòng.

Thành công của Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần thứ II – Bình Dương 2017 một lần nữa khẳng định sự trường tồn của loại hình nghệ thuật độc đáo đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Sau Bình Dương, Cần Thơ sẽ là địa phương tiếp theo đăng cai tổ chức Festival Đờn ca tài tử Quốc gia lần thứ III diễn ra vào năm 2020.